Bộ Tài chính và Tổng cục Quản lý thị trường tiếp tục khẳng định, sẽ xử nghiêm tình trạng lợi dụng diễn biến phức tạp của giá xăng dầu để tăng giá bất hợp lý...
Các bộ, ngành, UBND các địa phương rà soát kê khai giá của doanh nghiệp để đánh giá việc tăng giá có phù hợp với biến động của các yếu tố đầu vào, đặc biệt là xăng dầu hay không.
Trước tình trạng giá xăng dầu tăng kỷ lục, giá hàng hoá "té nước theo mưa", cử tri và nhân dân nhiều địa phương lo ngại về tình trạng giá xăng, dầu tăng kéo theo giá của nhiều loại hàng hóa, dịch vụ, chi phí khác tăng khiến đời sống, sản xuất người dân gặp khó khăn hơn.
Báo cáo tại Phiên họp Uỷ ban thường vụ Quốc hội về công tác dân nguyện vừa qua, Trưởng ban dân nguyện Dương Thanh Bình kiến nghị Uỷ ban thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương, Tài chính và các bộ, ngành liên quan có giải pháp quản lý, kiểm soát hiệu quả giá cả hàng hóa, dịch vụ khi điều chỉnh giá xăng dầu nhằm hạn chế tình trạng “ăn theo” để trục lợi; đồng thời, quan tâm có biện pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Trả lời về vấn đề này, ngày 4/4, Bộ Tài chính cho biết, giá xăng dầu trên thị trường thế giới vừa qua tăng cao do chịu tác động lớn bởi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
Sau thời điểm tăng đột biến trong 2 tuần đầu tháng 3, giá dầu thế giới có dấu hiệu ổn định ở mức 110 – 120 USD/thùng trong tuần qua.
Tuy nhiên, giữa bối cảnh căng thẳng địa chính trị tiếp tục biến động nhanh và khó lường cũng như ảnh hưởng từ các biện pháp trừng phạt từ các bên, phần lớn các tổ chức đều đưa ra các nhận định giá dầu có thể tiếp tục ở mức cao từ 110 - 130 USD/thùng trong giai đoạn tới và không loại trừ khả năng tăng cao lên mức 150 USD/thùng.
Bộ Tài chính nhận định, diễn biến tăng của giá xăng dầu sẽ tác động trực tiếp đến giá các hàng hóa, dịch vụ có xăng dầu là yếu tố đầu vào, nhất là giá cước vận tải hàng hóa và qua đó, tác động gián tiếp nhất định đến các hàng hóa, dịch vụ khác.
Tuy nhiên, cục bộ tại một số địa bàn, với một số mặt hàng vẫn có thể sẽ phát sinh tình trạng lợi dụng diễn biến của giá xăng dầu để tăng giá bất hợp lý, “tát nước theo mưa”.
Vấn đề này được dự báo và Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, ngành báo cáo kịp thời, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá có ý kiến chỉ đạo công tác quản lý, điều hành giá trong quý 1 và cả năm 2022 tại công văn số 882/VPCP-TH ngày 10/2/2022, Thông báo số 65/TB-VPCP ngày 02/3/2022, Thông báo số 81/TB-VPCP ngày 24/3/2022.
Để điều hành giá trong những quý còn lại của năm 2022, Bộ Tài chính tập trung vào năm nội dung.
Thứ nhất, cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến kinh tế thế giới, tình hình lạm phát chung, diễn biến giá cả các mặt hàng nhiên liệu và vật tư chiến lược đặc biệt là giá dầu thế giới.
Trên cơ sở đó, đẩy mạnh công tác tổng hợp, phân tích, dự báo, xây dựng trước các kịch bản, phương án ứng phó trong trường hợp các hàng hóa trên thị trường thế giới tiếp tục tăng cao để điều hành sản xuất trong nước, cân đối cung cầu và điều hành, bình ổn giá phù hợp.
Thứ hai, tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, đồng thời góp phần hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Tiếp tục kiểm soát lạm phát cơ bản trong năm 2022 để tạo cơ sở cho việc kiểm soát lạm phát chung.
Thứ ba, các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố có hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể các cơ quan chức năng tại địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện niêm yết giá; công khai thông tin về giá, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá.
“Xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng và tăng giá bất hợp lý”, Bộ Tài chính khẳng định.
Đồng thời, cần theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu, tăng cường tổ chức rà soát kê khai giá của doanh nghiệp để đánh giá việc tăng giá có phù hợp với biến động của các yếu tố đầu vào hay không, đặc biệt là chi phí xăng dầu trong các yếu tố hình thành giá.
Bên cạnh đó, các địa phương cần tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình bình ổn thị trường, trong đó, đề nghị các doanh nghiệp phân phối, bán buôn, bán lẻ đẩy mạnh xây dựng và triển khai nhằm ổn định mặt bằng giá hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn.
Ngày 07/2/2022, Bộ Tài chính có công văn số 1076/BTC-QLG gửi các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các hiệp hội ngành hàng và các Tổng công ty về việc tiếp tục tăng cường triển khai công tác quản lý, bình ổn giá.
Thứ tư, đối với công tác quản lý, điều hành giá các mặt hàng cụ thể, cần chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp đề ra đối với từng mặt hàng theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng – Trưởng Ban Chỉ đạo để ổn định mặt bằng giá cả thị trường.
Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh để chuẩn bị đầy đủ nguồn cung hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, tạo thuận lợi cho quá trình lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ. Trong trường hợp có biến động lớn về giá, căn cứ quy định tại Luật giá để đề xuất và tổ chức triển khai các biện pháp bình ổn giá phù hợp.
Thứ năm, tiếp tục chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, công khai minh bạch thông tin về giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng. Hạn chế những thông tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng gây bất ổn thị trường.
Ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương."Chúng tôi nhận thức được vai trò của lực lượng quản lý thị trường trong việc tham gia bình ổn thị trường cũng như kiềm chế các hành vi vi phạm pháp luật trong đầu cơ, tàng trữ, găm hàng dẫn đến việc tăng giá bất hợp lý của các tổ chức, cá nhân.Với riêng mặt hàng xăng dầu, lực lượng quản lý thị trường tăng cường giám sát khoảng 16.800 cây xăng, kịp thời phát hiện các cây xăng có hiện tượng đóng cửa không bán hàng, bán hàng không đúng thời gian đăng ký với Sở Công thương, hoặc có hiện tượng bán xăng dầu kém chất lượng. Ngoài xăng dầu, lực lượng quản lý thị trường cũng tăng cường kiểm tra các mặt hàng phục vụ sản xuất kinh doanh tại các địa phương, phối hợp với Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) trong việc xác định nguyên liệu đầu vào cũng như nguồn gốc xuất xứ của những hàng hóa xuất sang các nước mà Việt Nam có ký kết hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.Trong quá trình kiểm tra xử lý, nhất là trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, ngoài vi phạm về điều kiện kinh doanh như phòng chống cháy nổ, kiểm định cây xăng thì các hành vi vi phạm xảy ra chủ yếu thời gian qua là các cửa hàng lợi dụng giờ cao điểm, quản lý thị trường lỏng lẻo để không niêm yết giá, tự ý điều chỉnh giá, treo biển không bán dù còn hàng, cố tình găm lại để đợi giá cả lên hoặc che bảng, thông báo cột bơm hỏng, tìm mọi cách để không bán hàng trong những thời điểm Chính phủ đang điều chỉnh giá. Ngoài ra, một số đối tượng tìm cách bán các sản phẩm xăng dầu kém chất lượng để thu lời bất chính. Từ đầu năm đến nay, chúng tôi kiểm tra phát hiện trên 150 vụ vi phạm, xử lý khoảng 50 vụ với số tiền trên 2,5 tỷ đồng".