Houston, bang Texas (Mỹ), là thành phố có tương đối nhiều người Việt nên gia đình tôi may mắn có thể mua sắm, chuẩn bị cho ngày Tết bằng những gì gần gũi nhất, giống quê nhà nhiều nhất có thể.
Ngày 23 Tết, gia đình chuẩn bị cúng ông Công ông Táo, kể cho các con nghe về sự tích ông Công ông Táo, tại sao lại có ngày này, để thế hệ trẻ hiểu phong tục tập quán Việt Nam.
Mâm cơm đón giao thừa được Linh chuẩn bị với đầy đủ món cổ truyền
Ngày 30 Tết cả nhà sẽ đi chợ có đông người Việt như chợ Hồng Kông, chợ Việt Hoa để mua sắm. Những ngày cuối năm, không khí ở chợ rộn ràng hơn hẳn ngày thường. Các cửa tiệm kinh doanh của người Việt như cửa hàng thương mại, chợ, spa, nail, tóc, ... đều trang hoàng với đầy sắc vàng, sắc đỏ. Các gian hàng bày bán tương đối đầy đủ các sản phẩm đồ trang trí Tết như câu đối, mứt tết, bánh chưng, giò chả, vàng mã, nhang đèn, cây hoa giả và hoa thật…
Có năm tự gói bánh chưng, có năm mua sẵn, nhưng chắc chắn năm nào, tôi cũng sắm một lọ hoa, mâm ngũ quả “ngũ phúc lâm môn” như truyền thống của người Việt. Sau đó cả nhà cùng nhau dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa. Tôi nhớ mùi cây mùi già ở Việt Nam – cái mùi mà đối với tôi nó chính xác là mùi Tết quê hương vì từ bao đời trước, đến bà, đến mẹ tôi đều dùng cây mùi già đế nấu nước tắm tẩy trần vào chiều ngày 30 Tết. Ở bên này, tôi không kiếm được cây mùi già nhưng tôi kiếm vỏ cam, vỏ bưởi, quả chanh, cây sả và tôi rang hạt mùi già đun lên để làm một nồi nước tẩy trần cho cả nhà, chào đón một năm mới đủ đầy, an vui.
Sau thời khắc giao thừa, gia đình Linh đi chùa để cầu mong một năm mới sức khỏe, bình an
Sau thời khắc giao thừa, hầu hết các gia đình gốc Việt ở Mỹ thường đi lễ chùa để cầu mong cả năm bình an, nhiều may mắn, để làm lễ để tạ ơn những điều đã đạt được trong năm và cầu mong phước lộc cho năm mới. Nhà tôi thường đến chùa Viên Thông Tự - một ngôi chùa khá to và năm nào cũng có những hoạt động cho mọi người mừng xuân mới. Chùa thường dựng những tiểu cảnh như cây lúa, cây khế, hoa đào, hoa mai, phong bao lì xì, rặng trâm bầu, nồi bánh chưng, xe xích lô, giếng nước, câu đối…. để mọi người có những hình ảnh đẹp, cùng nhau vui xuân. Từ già, trẻ, gái, trai, thậm chí có những gia đình chồng là người ngoại quốc cũng vẫn thích thú, xúng xính mặc áo dài dân tộc màu vàng, đỏ rực rỡ để đón xuân mới.
Giây phút đầu tiên của năm mới, những tràng pháo dây ngày xưa sẽ được vang lên giòn giã cùng với màn múa rồng, lân, sư tử …với ước nguyện một năm mới may mắn, hạnh phúc, an khang, thịnh vượng. Mọi người, dù quen hay lạ, trong giây phút thiêng liêng cũng sẽ hân hoan chúc tụng nhau câu: “ Chúc mừng năm mới”!. Giây phút giao thừa này, những người con đất Việt đều sẽ có những khoảnh khắc không khỏi chạnh lòng, ngậm ngùi nhớ về cố hương, nhớ về xuân quê hương, nhớ về sự đầm ấm, tràn ngập yêu thương nơi quê nhà!
Có những ông bà, cô bác đã cao tuổi hoặc sức khỏe không thể về ăn Tết trong nhiều năm thì đối với họ, cái Tết cổ truyền vô cùng thiêng liêng và hoài niệm. Những chi tiết, những phong tục, những kỷ niệm dù nhỏ nhất vẫn còn như in, sống động trong tâm trí, trong nỗi nhớ tha hương của người xa xứ, da diết một nỗi niềm để có ngày có thể cho con cháu mình cùng đoàn tụ ăn Tết trên đất Việt.
Vui nhất có lẽ vẫn là lớp trẻ sinh ra ở hải ngoại, dù chưa từng được ăn Tết trên quê hương nhưng Tết cổ truyền lại là thời gian để các em được tìm hiểu về phong tục, tập quán với niềm hứng khởi, cảm xúc thật vui, thật thú vị và ngạc nhiên.
Có lẽ với những người một thân, một mình xa quê hương như du học sinh, làm kinh tế… thì Tết là nỗi buồn tha hương vời vợi, nỗi nhớ nhà khôn nguôi.
Gia đình tôi vẫn giữ tục chọn người hợp tuổi xông đất đầu năm và hầu hết nhà nào ở đây cũng vậy. Tôi cũng sẽ hái một cành lộc, mua bật lửa, nước và muối về nhà.
Cũng như ở Việt Nam, gia đình tôi vẫn giữ tục mùng 1 Tết mời bạn bè, cả bạn bè ngoại quốc của chúng tôi cùng đến ăn bữa ăn đầu năm mới với đầy đủ các món truyền thống của dân tộc. Năm đầu tiên đến nhà chúng tôi ăn tết, em Nguyên còn tâm sự: “Lâu lắm em mới được ăn những món ăn đậm đà hương vị ngày Tết như thế này”. Còn bạn bè ngoại quốc đều ngạc nhiên và thích thú vì có quá nhiều món ăn ngon trong ngày này như thế.
Ngày mồng 1 Tết, Linh mời bạn bè đến ăn bữa cơm đầu năm mới
Tết nơi đây không diễn ra trong 3 ngày như ở Việt Nam, chỉ tập trung vào đêm giao thừa và ngày mùng 1 vì ở Mỹ cuộc sống bận rộn và không được nghỉ nhiều. Thường thì người Việt sang đây không đầy đủ các thế hệ, họ hàng, rồi sự bận rộn nên chỉ số ít tập trung tại nhà nhau nấu bữa cơm với các món ăn truyền thống như bánh chưng, giò, xôi, gà, dưa hành, thịt kho tàu, nem, kho đông ... Do điều kiện nên phong tục đến nhà nhau chúc Tết như tại quê hương là không có.
Linh với bộ trang phục cổ truyền đi du xuân trên đất Mỹ
5 năm đón giao thừa nơi xứ người, mong ước một lần ăn Tết tại quê hương cùng người thân vẫn là một niềm mơ ước đối với gia đình tôi cũng như với mỗi người con đất Việt xa xứ.
-> Hương vị Tết Việt
Tống Thùy Linh