Định hướng nghề nghiệp với gợi ý từ gene di truyền

31/08/2022 13:09
Cha mẹ biết trẻ có chỉ số thông minh, năng khiếu âm nhạc, ngoại ngữ… do gene quy định có thể tạo môi trường, giúp con phát triển thế mạnh.

Theo Thạc sĩ Tăng Ngọc Nữ (Trưởng phòng Nghiên cứu và tư vấn di truyền tại công ty Genetica, TP HCM), yếu tố di truyền không chỉ ảnh hưởng đến khả năng nhận thức, học tập mà còn gián tiếp tác động đến thiên hướng nghề nghiệp của trẻ. Phát hiện trẻ di truyền thiên hướng nghề nghiệp từ cha mẹ hay không sẽ giúp ích rất nhiều cho việc định hướng học tập và hướng nghiệp cho trẻ trong tương lai.

Những năng khiếu con thừa hưởng từ cha mẹ

Con cái có thể thừa hưởng năng khiếu bẩm sinh từ cha mẹ, tức khả năng đặc biệt giúp trẻ có thể thực hiện một việc nào đó tốt hơn bạn bè mà không cần qua rèn luyện lâu dài. Năng khiếu này có thể là trong lĩnh vực như trí tuệ, sáng tạo, nghệ thuật, lãnh đạo, thể thao hoặc biểu hiện trong một lĩnh vực học thuật cụ thể như ngôn ngữ, toán học, khoa học... Những năng khiếu này cũng có ảnh hưởng lớn đến xu hướng nghề nghiệp của trẻ trong tương lai.

Ví dụ, nếu cả cha và mẹ đều là nhạc sĩ rất có thể con sẽ thừa hưởng tài năng thiên bẩm về chơi nhạc cụ hoặc ca hát. Khi lớn lên, bé có thể trở thành ca sĩ, nhạc sĩ hoặc những công việc có liên quan đến âm nhạc. Cho dù không được thừa hưởng khả năng di truyền từ cha mẹ, nhưng việc được truyền cảm hứng và hàng ngày tiếp xúc với các giai điệu cũng tác động đến xu hướng nghề nghiệp của con.

Song, không phải bất kỳ trẻ nào có năng khiếu cũng bộc lộ rõ ràng hoặc cha mẹ chưa phát hiện những thế mạnh của con cái. Bên cạnh việc dành thời gian dạy dỗ, vui chơi và quan sát để nhận ra những thế mạnh của trẻ, theo thạc sĩ Ngọc Nữ, có một cách khoa học là thông qua xét nghiệm gene. Chẳng hạn qua xét nghiệm, trẻ có biến thể di truyền trong gene UGT8 hay LRRIQ3, ITGB3, ALPK1... thường có khả năng về âm nhạc. Qua việc "hiểu con từ gene", cha mẹ có thể cùng con tạo môi trường để con được đắm mình trong những lời ca, tiếng hát. Bởi môi trường nuôi dưỡng, trau dồi là bệ phóng để trẻ thành tài.

Với trẻ có gene CNTNAP2 quy định khả năng học một ngôn ngữ ở giai đoạn đầu đời, việc dạy con học ngoại ngữ mang đến nhiều lợi ích. Ngược lại, người mang đột biến trong gene FOXP2 có thể làm thay đổi hoạt động điện não, giảm khả năng tiếp nhận ngôn ngữ khác so với ngôn ngữ mẹ đẻ. Những gia đình gặp khó khăn về học ngôn ngữ, đọc có yếu tố di truyền có liên quan đến gene này. Nếu con là đứa trẻ hoạt ngôn hoặc giỏi ngoại ngữ tốt sẽ phù hợp với ngành nghề như MC, báo chí, truyền thông, phiên dịch.

Định hướng nghề nghiệp với gợi ý từ gene di truyền

Trẻ hoạt ngôn, có lợi thế ngôn ngữ có thể được di truyền từ cha mẹ. Ảnh: Freepik

Trẻ kém thông minh hoặc chỉ số IQ vượt trội có thể một phần do phụ huynh. Một đứa trẻ thông minh có thể thừa hưởng khoảng 50% trí thông minh từ cha mẹ, nhất là từ người mẹ. Những bé có gene PLXNB2 giúp não bộ tạo nên một mạng lưới tế bào não liên kết nhanh nhạy, hiệu quả, làm tăng chỉ số IQ. LINC01104 đóng vai trò trong việc phát triển và chức năng của vỏ não. Vỏ não là lớp ngoài cùng của não liên quan đến việc ghi nhớ, học tập, ngôn ngữ, phán đoán, tập trung và các đặc tính liên quan đến trí thông minh.

Thạc sĩ Ngọc Nữ cho biết thêm, dựa trên những lợi thế về trí thông minh nhờ di truyền, các môn học thiên về các con số, đòi hỏi sự tính toán hoặc kinh doanh sẽ phù hợp với bé.

Cách định hướng nghề nghiệp cho con

Chị Đặng Thị Kim Thương (Thanh Khuê, Đà Nẵng) từng giải mã gene cho con chia sẻ, có rất nhiều thứ bố mẹ cần hiểu để đồng hành cùng con. Chị lựa chọn giải mã gene để thấu hiểu con qua các chỉ số IQ, EQ, chỉ số hướng ngoại, năng lực nhận thức.... Từ đó, chị hiểu được con mình đang có gì và thiếu gì, giúp chị rất nhiều trong quá trình nuôi dạy con

Theo chị Ngân Nguyễn (quận Tân Bình, TP HCM), giải mã gene không phải để hướng con đến điều gì đó xa vời mà chỉ để hiểu con hơn và định hướng đúng. Nhờ đó, chị không kỳ vọng quá nhiều và so sánh con với con nhà người ta.

Theo thạc sĩ Ngọc Nữ, mỗi đứa trẻ là một thế giới quan sinh động. Cha mẹ đừng nên nghĩ rằng trẻ kém cỏi mà nên tìm kiếm những điểm tốt của con để phát huy. Việc khuyến khích, tạo động lực từ người thân sẽ dần giúp con tự tin, tìm thấy niềm yêu thích của bản thân. Khi đam mê trở thành động lực, dù không có năng khiếu bẩm sinh nhưng niềm yêu thích sẽ tạo thành động lực để con vượt qua những rào cản, khó khăn để chạm tay đến thành công.

Có những trẻ giỏi về lĩnh vực này như Văn nhưng lại yêu thích làm việc trong lĩnh vực khác như tiếng Anh. Với trường hợp này, thạc sĩ Ngọc Nữ khuyên cha mẹ cũng nên khuyến khích con. Thông qua việc trải nghiệm, dù thất bại, con có những định hướng để điều chỉnh cho phù hợp. Hoặc ngược lại, có rất nhiều người đã thành công qua quá trình khổ luyện, dù xuất phát điểm của họ không phải là lợi thế. Phụ huynh cũng không nên định hướng con theo "con nhà người ta", nhận thấy con của gia đình khác học tốt ở lĩnh vực này thì ép con học để đạt được thành tích tương tự. Việc bắt con cố gắng quá sức sẽ trở thành áp lực đè nặng lên trẻ.

 

Theo vnexpress.net

Định hướng nghề nghiệp với gợi ý từ gene di truyền - Nuôi Dạy Con