Con gái à! Hãy thành nhân trước khi thành danh

17/06/2023 16:21

Ba xin lỗi con, vì có lẽ Ba đã đặt lên vai con gánh nặng mà lẽ ra con chưa phải gánh. Nhưng chắc con gái hiểu tại sao Ba lại làm như vậy và sẽ không trách Ba khắt khe với con.

Con có biết không? Ngày con sinh ra Ba không có ở bên cạnh. Mẹ con một mình đi đến nhà hộ sinh và con đã chào đời trong sự thiếu vắng quan tâm chăm sóc của Ba. Mẹ con là người tuyệt vời nhất, chịu đựng vất vả nuôi con một mình nơi đất khách quê người.

Sau này mẹ con kể lại, lúc đó mẹ khóc nhiều lắm, khóc vì tủi thân khi sinh đẻ không có người thân bên cạnh, trong khi đó những người nằm cùng ở bệnh viện, họ có người nhà, chồng con đến động viên, chăm sóc. Mẹ khóc còn vì biết con là con gái vì khi đi siêu âm thì họ nói con là con trai, bởi vậy đó là niềm hạnh phúc bất ngờ đối với mẹ. Con đã lớn lên bằng tình thương yêu của Ba mẹ. Khi đó nước Nga đang loạn lạc nên cuộc sống của con cũng không được êm đềm.

Giấc ngủ của con thường bị đánh thức bởi tiếng sủa của chó nghiệp vụ khi cảnh sát tới kiểm tra kí túc xá, tiếng ồn ã chạy trốn của các cô, bác sống cùng mẹ. Lúc đó tuy con chưa biết gì nhưng cũng khóc theo tiếng khóc của những người bị bắt giữ.

Trong khi đó thì Ba cũng đang mải miết kiếm tiền nơi xa. Khi quay về nhà thì con đã cứng cáp.Thương con vô cùng. Ba nhớ có những buổi sáng trời lạnh đến âm 40°C, Ba đã chạy xe xuống vùng nông thôn, trực tiếp vào chuồng cừu để vắt sữa tươi đem về cho con và anh con uống. Gia đình chúng ta đã rất vất vả để tồn tại nơi xứ người.

Con gái à! Hãy thành nhân trước khi thành danh

Con biết tại sao chúng ta lại phải cố gắng như vậy không? Ngày trước nhà mình nghèo lắm, nghèo tới mức mơ một bữa cơm no phải đợi ngày giỗ Tổ, mong một manh áo mới phải đợi lúc xuân sang. Mùa heo may về phải ngủ trong ổ rơm. Trong nhà không có gì đáng giá ngoài những vật dụng để phục vụ sản xuất hằng ngày. Đi học thì đứa em lấy sách của anh chị để đọc, mặc quần áo cũ của anh chị để lại.

Ngày Tết ông bà vất vả lắm mới lo được cho các con mỗi đứa một manh áo mới. Đứa được quần thì mất áo, đứa được áo thì thiếu quần nhưng gia đình luôn vui vẻ, quây quần đùm bọc bên nhau. Bởi vậy những vất vả nơi xứ người đã làm cho Ba có thêm sức mạnh để vượt qua.

Ba sợ lắm cái nghèo nó cứ đeo đẳng suốt những ngày thoát li. Và luôn tâm niệm một điều, phải thật cố gắng để làm sao đó có thể giúp đỡ gia đình thoát cảnh nghèo đói.

Mấy chục năm bôn ba nơi xứ người, chúng ta đã có được cơ ngơi ngày hôm nay. Sự thành công đó phải trả giá bằng rất nhiều mồ hôi, nước mắt và cả bằng máu nữa. Những cuộc chia tay không bao giờ gặp lại với những người bạn, sự đánh đổi cả tuổi xuân của mình dưới cái lạnh của vùng Viễn Đông.

Ba đã dành hết tâm huyết để nuôi dạy các con nên người. Đi học trường Nga nhưng chưa bao giờ Ba lơi lỏng việc dạy các con học tiếng mẹ đẻ, văn học, lịch sử quê nhà. Cô giáo sang dạy cho con từ bài học vỡ lòng. Hình ảnh ngày đó con đọc bài thơ “Quê Hương” trong chương trình “Viễn Đông xa mà gần”, do VTV 4 thực hiện Ba còn nhớ như in.

Đúng vậy quê hương mỗi người chỉ một. Chính vì vậy mà khi con sang Singapore để học, Ba luôn dặn con, học xong phải quay về quê hương, đầu tiên là để phát triển doanh nghiệp của ba, sau là để đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình cho quê hương. Và điều đó con đã thực hiện theo đúng ý nguyện của Ba.

Ba cảm ơn con đã làm được và hiểu được giá trị cuộc sống. Bởi vậy Ba tin những khó khăn chúng ta đang trải qua sẽ không thể ngăn cản được ước nguyện của Ba và sự cố gắng mỗi ngày của con.

Trong cuộc sống có muôn vàn khó khăn. Hỉ, nộ, ái, ố, cạnh tranh khóc liệt thị trường… Ba khuyên con hãy luôn giữ cái đầu lạnh và trái tim ấm áp mà giải quyết mọi việc cho thấu đáo. Hãy đặt vị trí của mình vào hoàn cảnh của người khác để đưa ra những quyết định đúng đắn nhất. Đừng bao giờ áp đặt mọi người làm theo ý kiến chủ quan của mình. Vận dụng đắc nhân tâm trong kinh doanh. Cần bám sát quy trình quản lý nhưng không được cứng nhắc, bởi chúng ta đang quản lý con người, mà đã là con người thì cần phải hiểu họ và chia sẻ với họ.

Văn hóa bản địa con cần phải hiểu rõ, nếu không hiểu được văn hóa vùng miền con sẽ rất khó khi làm việc và quản lý được họ.

Con gái à! Hãy thành nhân trước khi thành danh

Có một điều mà con hãy luôn ghi nhớ, hãy thành nhân trước khi thành danh. Một người lãnh đạo giỏi là biết dùng người giỏi để thực hiện kế hoạch của mình và chia cho họ một phần lợi nhuận của mình. Luôn hòa nhập nhưng không hòa tan. Con phải biết lắng nghe nhưng hãy suy nghĩ kỹ khi đưa ra quyết định của mình, không đẽo cày giữa đường. Hãy dũng cảm nhận khuyết điểm nếu mình sai sót, kể cả trước nhân viên của mình. Dựa vào núi núi đổ, dựa vào người người cũng sẽ bỏ đi. Hãy dựa vào chính nghị lực của mình con nhé.

Thất bại ngày hôm nay sẽ là bài học đắt giá cho thành công ngày mai. Hãy trải nghiệm thật nhiều con sẽ trưởng thành, con hãy luôn tự tin vì Ba luôn ở bên cạnh con để cùng con viết tiếp câu chuyện vượt khó như chúng ta đã làm. Dừng lại là chúng ta bị bỏ xa, bởi vậy chỉ có một con đường là tiến lên phía trước.

Con gái ạ! Ba biết vì bận rộn với công việc nên con đã quên đi chuyện riêng tư, nhưng con gái có thì, đã đến lúc con cũng phải tìm cho mình một bờ vai để dựa vào khi mệt mỏi, để chia sẻ những buồn, vui trong cuộc sống và cùng nhau đi tiếp con đường đã chọn con nhé. Làm doanh nhân vô cùng cô đơn, Ba không muốn con cô đơn như Ba đã từng trải qua. Hãy ngủ ngon con nhé, ngày mai là cả một tương lai tươi sáng đang chờ đón chúng ta. Ba tin khi bình minh thức giấc, con sẽ nhìn về phía mặt trời, nơi đó chúng ta sẽ đến là bến thành công.

Dù biết con đường này còn dài và lắm chông gai nhưng Ba và con không bao giờ được bỏ cuộc con nhé. Ba luôn mong con thật hạnh phúc và tiến xa trên con đường con đã chọn, như một nhà thơ đã từng viết:

Ai trong đời cũng có thể tiến xaNếu có khả năng tự mình đứng dậyHạnh phúc như bầu trời này vậyĐâu chỉ để dành cho một riêng ai…

Ba của con LXT.

Bài dự thi cuộc thi viết Cha và con gáiTác giả: Lê Xuân ThơmĐịa chỉ: 31 Hùng Vương, phường Lộc Thọ, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh HòaThông tin Cuộc thi viết chủ đề "Cha và con gái"Yêu cầu

- Bài viết bằng tiếng Việt, dung lượng 1.000 - 1.500 từ được in trên giấy hoặc gửi qua email do Ban tổ chức cung cấp.

- Bài viết được thực hiện dưới dạng thư tâm tình cha dành cho con gái, con gái dành cho cha hoặc dưới dạng tản văn kể về kỷ niệm vui buồn giữa cha - con; nhật ký viết cho cha - con để lột tả về góc ký ức không quên…

Đối tượng dự thi

- Tất cả công dân Việt Nam trong và ngoài nước đều có thể tham gia dự thi

- Mỗi tác giả được gửi tối đa ba (03) bài dự thi.

- Tác phẩm được chọn đăng báo sẽ được trả nhuận bút theo quy định của tòa soạn Tạp chí Gia đình Việt Nam.

Thời gian nhận bài thi

- Thời gian nhận bài dự thi: Từ ngày 19/04/2023 đến ngày 19/06/2023 tính theo dấu bưu điện.

- Lễ tổng kết và Gala Trao giải diễn ra vào Ngày Gia đình Việt Nam 28/06/2023.

Địa chỉ nhận bài thi

- Bài dự thi online gửi qua email: [email protected].

- Bài dự thi viết tay hoặc đánh máy gửi về Tòa soạn Gia đình Việt Nam (Địa chỉ: Số 2 đường Lê Đức Thọ, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội).

Ngoài bì thư ghi rõ: Bài dự thi "Cha và con gái" kèm thông tin tác giả, địa chỉ, số điện thoại. Ban tổ chức không chịu trách nhiệm nếu hồ sơ tham dự cuộc thi bị thất lạc hoặc hư hỏng do lỗi của bưu điện.

Thông tin liên hệ

Tòa soạn Tạp chí Gia đình Việt Nam: Số 2 đường Lê Đức Thọ, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội.

Điện thoại: 0903.344571 (Nhà báo Đông Hường) hoặc 0973957126 (Đồng chí Bùi Hải Én).

Lưu ý: Tòa soạn sẽ chọn bài có nội dung phù hợp, biên tập sơ bộ (không làm thay đổi nội dung) để đăng báo. Bài chọn đăng được nhận nhuận bút theo quy định.

Để biết thông tin chi tiết về cuộc thi mời quý độc giả xem tại đây!

Ban tổ chức

Theo Nguồn giadinhonline.vn

Con gái à! Hãy thành nhân trước khi thành danh - Nuôi Dạy Con